Wednesday, July 20, 2011
Bhutan, một quốc gia khác thường !
Bhutan, một quốc gia khác thường !
Là một quốc gia nhỏ bé được bảo bọc bởi dãy núi Himalaya, tây bắc giáp Tibet - Nepal, tây nam giáp Ấn Độ, với dân số gần bảy triệu trong đó 75% theo Phật giáo Mật Tông, Bhutan chắc sẽ hoàn toàn xa lạ đối với tôi nếu tôi không có cơ hội được đi thuyết trình ở Thimphu, thủ đô của xứ đó tại Hội nghị Quốc tế “The 4th Conference of South and East Asian Association for the study of Culture and Religion” đặt dưới trướng của Liên Hiệp Quốc, cùng với tiến sĩ Trần Mỹ Vân. Đại hội diễn ra bốn ngày (30/6 – 3/7/2011) với sự tham dự của 220 thuyết trình viên gồm những giáo sư đại học, học giả, nghiên cứu gia, đến từ 66 quốc gia trên thế giới. Sau đại hội, các diễn giả được Ban tổ chức mời đi thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh ở Bhutan. Cho dù chỉ với 8 ngày ngắn ngủi sống nơi xứ này, nhưng Bhutan giờ đây lại trở thành một quốc gia để lại trong tôi nhiều điều đáng suy gẫm nhất so với nhiều quốc gia khác ở Âu Châu, Mỹ, Á châu mà tôi đã từng đi du lịch hay sống một thời gian dài tại đó.
Khi vừa đặt chân trên phi trường Paro cảm nhận đầu tiên của tôi là sự an lạc trong tâm hồn. Tôi như thấy mình đang lạc vào một thế giới mới tách rời với thế giới tiến bộ văn minh nhộn nhịp chạy theo vật chất thời nay. Một cảm nhận lạ lùng mà tôi chưa hề có khi ghé qua những phi trường khác ở Bangkok, Paris, Los Angeles, Sydney, Tokyo, London, Rio De Janeiro, v.v... Và chỉ sau khi rời Bhutan trở về lại Bangkok tôi mới khám phá ra được sự an lạc bắt nguồn từ đâu.
Chủ đề của đại hội thế giới năm nay là “Mountains in the religions of South and South East Asia: Place, Culture and Power”. Mở đầu đại hội là phần thuyết trình của Tiến sĩ Trần Mỹ-Vân về đề tài “Từ Thất Sơn màu nhiệm đến Phật Giáo Hòa Hảo”. Qua đề tài này TS Trần Mỹ-Vân đã dẫn chứng bằng dữ kiện lịch sử trình bày cho cử tọa ngoại quốc nhìn thấy một phần là cho dù nhà cầm quyền CSVN tìm đủ mọi cách tiêu diệt đạo Hòa Hảo nhưng các tín đồ Hòa Hảo vẫn một lòng quyết tâm “giữ đạo chờ Thầy”. Bà cũng đề cập đến tấm lòng yêu nước vô bờ bến của Đức Huỳnh Phú Sổ và cũng giống như đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo đang phát triển mạnh ở hải ngoại. Với cách trình bày rất giản dị tự nhiên như kể chuyện TS Trần Mỹ-Vân đã tâm phục được cử tọa. Trong tư thế của một sử gia quốc tế, tiếng nói của bà đã giúp cho các sử gia, học giả trên thế giới biết thêm về đạo Cao Đài và Hòa Hảo cũng như hiểu rõ hơn về sự chà đạp tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Được biết, từ hơn 20 năm qua, bà đã không ngưng nghỉ nói lên những thực trạng kinh tế và xã hội ở Việt Nam, hay đề cao tinh thần bi trí dũng của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ tại các diễn đàn quốc tế.
Cá nhân tôi nói về Uluru, ngọn núi thiêng liêng đối với thổ dân Úc. Uluru còn được gọi dưới tên khác là Ayers Rock, cách Alice Spring 350 cây số về hướng tây nam, được ghi trong danh sách world heritage về giá trị văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên, và cũng là một trong 15 world heritage (gia sản thế giới). Đối với thổ dân Úc, Uluru là căn nhà ở của tổ tiên và là nơi thờ phượng cho nên họ không được phép leo núi. Với niềm tin rằng khi chạm tay vào hòn núi này họ sẽ liên lạc được với Tổ tiên và sẽ được ban phép lành. Họ rất đau lòng phải chứng kiến cảnh du khách trèo núi - là một hình thức coi thường văn hóa thổ dân Úc hay trước sự kiện một số du khách vô trách nhiệm đã làm hư hại di tích lịch sử của tổ tiên từ hàng chục ngàn năm xưa để lại. Vì nhu cầu bảo vệ gia sản thế giới và tôn trọng văn hóa thổ dân, vấn đề “leo núi hay không leo núi Uluru” đã trở thành một đề tài tranh luận chưa tìm được câu trả lời từ hơn hai thập niên qua và vẫn đang còn được đem ra tranh luận sôi nổi ở quốc hội Úc cho tới ngày hôm nay.
Ngoài những bài thuyết trình khác rất có giá trị liên quan đến những hòn núi thiêng liêng ẩn chứa ý nghĩa đạo ở nhiều nơi trên thế giới, phần thuyết trình của những diễn giả Bhutan về đề tài Gross National Happiness (chỉ số hạnh phúc quốc gia) mà xứ Bhutan đang áp dụng đã lôi cuốn sự chú ý của rất nhiều người. Trong khi tất cả các quốc gia khác trên thế giới đặt trọng tâm vào việc làm gia tăng chỉ số GDP (Gross Domestic Product, Tổng Sản Phẩm Nội Địa), thì quốc gia Bhutan lại đặt trọng tâm trên sự sung sướng, hạnh phúc nội tâm của người dân để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp với mục tiêu gia tăng Gross National Happiness (chỉ số hạnh phúc quốc gia). Phải chăng cách điều hành quốc gia khá đặc biệt nêu trên và cộng thêm lòng sùng đạo của người dân Bhutan đã khiến cho người dân xứ đó dù sống trong một môi trường nghèo nàn chậm tiến thiếu thốn tiện nghi vật chất nhưng họ vẫn tìm thấy được sự an lạc mà tôi nhìn thấy được trên nét mặt, qua cách đi đứng ăn nói bình thản, diụ dàng và lịch sự của những người dân Bhutan tại thành phố Thimphu và những nơi tôi có dịp ghé thăm. Từ già tới trẻ, từ người ăn mày tới cô sinh viên, qua đến ông tổng trưởng hay vị tu hành, tất cả đều có chung 1 điểm là thái độ khoan thai bình thản. Ngoài ra, không phải chỉ có người dân Bhutan hiền hòa, mà ngay cả những con chó hoang bulldogs nổi tiếng là dữ dằn sống lang bang tại Thimphu cũng đâm ra hiền lành chả buồn sủa khi có người lạ đến gần mình. Trước hiện tượng lạ lùng này tôi và TS Mỹ Vân đã nói đùa với nhau là sống ở xứ Phật nên con chó dữ dằn cũng đâm ra đi tu. Điểm đặc thù khác của xứ này người dân tránh sát sinh vì họ không muốn làm cho súc vật bị đau đớn.
Nếu nói về thắng cảnh thì ngoài nét đẹp hùng vĩ linh thiêng huyền bí của dãy núi Himalaya bao bọc xứ sở này, Bhutan là một trong những quốc gia vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính của nó vì cho tới hôm nay vẫn chưa bị những lối kiến trúc âu tây xâm nhập. Đây là điểm son của Bhutan phản ảnh phần nào tâm trạng không vọng ngoại của người dân Bhutan biết trân qúy gìn giữ gia tài văn hóa nghệ thuật của đất nước mình. Một trong những thắng cảnh mà tôi thích nhất là những ngôi chùa nằm chênh vênh trên sườn núi mà tôi có dịp được đi thăm. Kể từ khi xa quê hương, đây là lần đầu tiên tôi tìm lại được tại nơi đây bầu không khí thật thanh tịnh lắng sạch bụi trần và an lạc như nét mặt từ bi của Đức Phật trong chánh điện. Một bầu không khí tu hành thứ thật khó tìm thấy ở thời đại này.
Nếu đi du lịch chỉ với mục đích ngắm cảnh và shopping thì Bhutan chả có gì là hấp dẫn. Đó là chưa kể đến chuyện hao tài vì tiền máy bay quá nặng mà du khách chỉ được phép ở lại vài ngày mà thôi và mỗi ngày lại còn phải đóng thuế cho chính phủ $US 250. Cũng vì thế những du khách đến Bhutan thường là những người muốn tìm hiểu về đạo Phật, về sự vận hành của quốc gia này dựa trên Gross National Happiness. Riêng tôi vẫn mong muốn sẽ có một ngày trở lại Bhutan, thăm lại ngôi chùa mà sự thanh tịnh đã thức tỉnh trong tôi về ý nghĩa vô thường của đời người.
Nam Dao
---