Tuesday, February 15, 2011

Tản mạn: Nhìn Ai Cập, nghĩ Việt Nam

Tản mạn: Nhìn Ai Cập, nghĩ Việt Nam

Có một điều thật đáng lưu ý trong cuộc cách mạng ở Ai Cập, đó là nó không do một lãnh tụ chính trị, đặc biệt hơn nữa, nó không do một lãnh tụ tôn giáo kêu gọi và đứng đầu. Trong khi 80 đến 90% dân Ai Cập theo Hồi Giáo, nhưng cuộc chính biến lại do một (hay một nhóm) thanh niên phát động.

Đối với VN, việc phát động một cuộc chính biến không mang màu sắc của đảng phái chính trị hay tôn giáo càng cần thiết hơn nữa. Lý do là nếu do một đảng lãnh đạo, tổ chức thì một là dễ bị VC bẻ gẫy từ trong trứng nước vì VC thừa sức luồn người vào mọi tổ chức, hai là những tổ chức chính trị khác sẽ sanh nạnh, ba là người ta có cảm giác cuộc đấu tranh không phải là của chung mà là đi theo một đảng phái hay một khối chính trị. Nếu do một tôn giáo lãnh đạo, hay do một vị lãnh đạo tôn giáo phát động thì càng khó hơn vì không thể không có ít nhiều lòng tị hiềm tôn giáo.

Đẹp nhất, thích hợp nhất là do thanh niên, công dân phát động.

Nhưng, thử nghĩ xem, làm sao mà một thanh niên, chat trên google với một vài thanh niên khác, rồi vận động internet, rồi ùm một cái, cả ngàn người, cả chục, cả trăm ngàn người ì ì đổ xuống đường? Công an chìm, cảnh sát của Ai Cập cũng đâu phải thánh thiện gì, người ta không sợ gông cùm, tra tấn sao? Làm sao cả ngàn, trăm ngàn người có thể tin lời vận động của một nhóm thanh niên mà dấn thân?

Nếu ta hiểu được mấu chốt khiến sự vận động của nhóm thanh niên này thành công thì kể như đã nắm được một trong những chiếc chìa khóa vàng của cuộc cách mạng.

Có lẽ chúng ta đều muốn nghe những lời bình luận như "ý dân là ý trời", "sức mạnh của dân chúng là vô địch". Đúng, khái niệm ấy là chân lý. Nhưng ý dân, lòng dân là thuốc nổ, sức mạnh tiềm tàng nhưng không có khả năng bộc phát nếu như không có ngòi nổ.

Cuộc diện Tunisia, Ai Cập, giờ sắp lan sang các nước lân cận không thể chỉ được nhìn đơn giản là sự bộc phát của người dân, mà cần phân tích sâu vào cách châm ngòi.

Google, Facebook, Twitter... những phương tiện truyền thông của Mỹ. Ai cũng phải công nhận biểu tình là do dân thực hiện, nhưng những cái ngòi nổ này, có phải chăng là có bàn tay lông lá nào đó, châm cho cả khối Á Rập nổ tung, nổ từ bên trong nổ ra.

VN không phải là không có các tay vận động trên internet, cũng có blog, có web, nhưng chỉ như những chiếc đũa rời, bẻ cái nào gãy cái đó. Tại sao một số những tổ chức hay khối chính trị của VN, có hàng trăm, hàng ngàn tay Net vận, có ngòi bút, có nhà đấu tranh, nhà dân chủ, xem chừng ra quy mô gấp trăm lần Ghonim và Rashid, nhưng chẳng gây được một tiếng vang nào đáng kể trong nước?

Một điều lý thú khác là không biết Mubarak có đủ mánh lới để dựng đối lập cuội hay không. Chắc là không. Dường như người Á Rập có máu liều đáng sợ nhưng không có đầu óc lắt léo của người VN. Nếu có vài tổ chức cuội, thì trong vụ chính biến vừa rồi, họ nhào ra quậy, rồi mười người trăm ý, đại sự sẽ ốc trâu. Chưa đánh đã tự tan. Ngạc nhiên thay, hầu như mọi người đi biểu tình đều nhất ý cứng rắn trước các chiêu thức của Mubarak.

Mubarak cũng không mánh lới như VC, không biết thổi lớn kẻ thù chung của dân tộc để đánh lạc hướng đấu tranh chống ông ta. (Xin được mở ngoặc ở đây là khi nghe Cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm tâm tình với Việt Dzũng rằng điều đáng sợ nhất của chúng ta hiện nay là bị Tàu đồng hóa, tôi bỗng cảm thấy phát biểu ấy ngây ngô thì thôi. Trong suốt mấy ngàn năm Tầu đô hộ VN, áp đặt 100% điều họ muốn lên VN, cũng còn không đồng hóa được, huống hồ là thời buổi internet tiếng Mỹ, tiếng Pháp dội ầm ầm hàng ngày.)
- Zitierten Text ausblenden -

Có lẽ Mubarak cũng không biết ăn đồng chia đủ với quân đội.

Mubarak thua là phải, nhưng đối phó với VC thì khó hơn đối phó với Mubarak bội phần.

Vài hàng tản mạn...

Nguyễn văn Hoàng
hoang4eb@gmail.com

---