Thursday, February 10, 2011

Biến đau thương tủi nhục thành Doanh nhân phát đạt hạng nhì tại Brazil

Biến đau thương tủi nhục thành Doanh nhân phát đạt hạng nhì tại Brazil

Đó là anh Nguyễn Sơn , bí danh là Thọ Phan Thiết , sinh năm 1955 tại đảo Phú Quý , Bình Thuận . Thân phụ của anh là quân nhân VNCH thuộc Sư Đoàn 23 BB , đã hy sinh chiến trường vào 1968 tại Quận Thiên Giao, Phan Thiết , Bình Thuận. Năm 1969 anh Sơn phải gát lại bút nghiên để đi làm ngư phủ hầu quên lãng chuyện Thân sinh của anh qua đời và cũng là vì hoàn cảnh nghèo Mẹ giá con côi nên muốn giúp Mẹ có thêm chút lợi tức nuôi em !

Từ đó bắt đầu học đánh đờn guitar và ca nhạc cho vui trong những khi trời trở nên mưa to gió lớn và biển động , thuyền phải neo bờ cho đến hôm nào biển cả trở lại bình thường , rồi cuộc đời vẫn bình thường đối với anh cho đến ngày 30.04.1975 . Vì sau ngày mất Miền Nam thì hệ thống Hợp Tác Xã bắt đầu áp dụng từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau trong ngành đánh cá nói riêng và các ngành khác nói chung ! Thế là nghề ngư nghiệp của anh và đồng bạn đi vào cách làm nhiều hưởng ít ! Lại thường xuyên bị kiểm thảo và kiểm điểm tại Hợp Tác Xã với các cán bộ cầm quyền .

Và đây cũng là thêm một lý do để chuẩn bị cho chuyến vượt biên ra khơi tìm tự do với bao nhiêu đồng hương khác , bắt đầu cuộc hành trình , chiếc thuyền đánh cá rời quê cha đất tổ vào một đêm của năm 1977 , sau một đêm một ngày vượt khỏi vòng kiểm soát của Công An biển thì được Tàu hàng của Ấn Độ cứu vớt rồi chở về Nhật Bản , nhưng chính phủ Nhật không có chương trình nhận người tỵ nạn Việt Nam , nên phải tạm trú tại Nhật khoảng hơn ba tháng với sự bảo trợ của LHQ .

Và sau đó đã được chính quyền Paraquay chấp thuận nhập cư với diện nhân đạo do sự can thiệp của CARITAS PARAGUAY . Thế rồi anh Sơn cùng đoàn lên phi cơ về quê hương thứ hai vùng Nam Mỹ La Tinh này .

Lúc đầu thì được LHQ và CARITAS phối hợp tài trợ và đỡ đầu để học tiếng Tây Ban Nha và học nghề . Rồi sau đó phải ra riêng làm việc để sinh sống tại đây , từng làm nghề thợ mộc , thợ sửa máy xe và thương mại . Sau đó anh gặp chị Nguyễn thị Điệp đến từ IRAN cùng Mẹ của chị và các em định cư tại Paraguay . Hai người đã thành hôn và sinh ra hai nam một nữ .

Nhưng bất hạnh thay đầu thập niên 90 cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh xảy ra tại khu vực Nam Mỹ này , khiến nhiều doanh nghiệp phá sản và đời sống cũng như việc làm của gia đình anh đã đi vào khó khăn .

Năm 1996 anh Sơn liên lạc được một số bà con người Việt Quốc Gia định cư tại Brazil kể từ năm 1979 . Anh Sơn quyết định cùng với gia đình là phải ra đi tìm cơ hội tại Sao Paulo , Thành phố lớn nhất của Brazil với vỏn vẹn 200 đô la . Anh đến xứ sở này bắt đầu học nghề may với bà con tại đây và làm thuê rất nhọc nhằn , sau đó một thời gian anh đưa vợ và các con sang cùng sinh sống và làm việc . Trong những ngày đầu ít việc và khó khăn với đời sống , có đôi khi cũng chán nản , nhưng cuối cùng phải quyết định đi lên với thiên hạ .

Năm 2005 anh muốn kinh doanh về xách túi nhưng không có một đồng xu nào để làm vốn , vay mượn hoài nhưng không ai dám cho vì lẻ lúc ấy anh cũng còn nợ nần nhiều và thậm chí thiếu tiền trả tiền thuê nhà , hình như sắp bị trục xuất ra đường như là những kẻ vô gia cư ! ! !

Thế là anh Sơn hội ý cùng vợ là nên tìm bà con thân thiết bên Hoa Kỳ để vay một ít tiền kinh doanh vì tình hình kinh tế của Brazil đã ổn định và đồng tiền Real lại có giá , nhiều cuộc điện thoại qua Mỹ nhưng chưa đạt được kết quả !

Cũng may nhờ Trời có lòng cao độ lượng. Anh gặp được người bạn thân thuở nhỏ bên nhà đang định cư tại Hoa Kỳ đồng ý giúp 5000 đô la , nhưng anh chỉ chấp nhận vay 2000 đô , rồi từ đấy anh cùng gia đình thức khuya dậy sớm mua và bán hàng , từ đây anh đã vượt lên vị trí thứ hai người Việt thành công tại Brazil , bây giờ là Ông chủ một Đại lý bán sĩ xách túi (bags), tên tiệm của anh là LONG HẢI SƠN Công ty phân phối hàng nhập cảng xách túi , tên tiệm có ý nghĩa về quê hương (nguyên quán) yêu dấu của anh nằm ở Tỉnh Bình Thuận , còn tạo thêm công ăn việc làm cho người Brazil và một ít đồng hương người Việt sinh sống tại đây . Brazil , đất nước và con người ở đây rất hiền hòa và hiếu khách , họ đã cứu vớt và cưu mang chúng tôi kể từ lúc đặt chân lên quốc gia này như chính người công dân của họ về mặt tình cảm cũng như luật pháp , thế mới nhớ câu : Công sanh không bằng công dưỡng .

Trong Kinh Thánh Thượng Đế có phán rằng :

Ai ban phước cho các con ,Ta sẽ ban phước lại cho họ và ai gây ác với các con ,
Ta sẽ gây ác lại với họ .


Nếu anh Sơn và chị Điệp không rời khỏi Việt Nam ngày ấy thì ngay bây giờ cuộc đời sẽ ra sao ? Tiếp tục làm một ngư phủ nghèo đói cùng gia đình bên ấy như những ngư dân đảo Lý Sơn , Bình Định hay Vũng Tàu ... bị tàu lạ (Trung Cộng) đâm chìm trong hải phận Việt Nam ?

Gần 34 năm xa cách quê hương nhưng chưa một lần nào anh về Việt Nam để thăm gia đình và bà con quyến thuộc.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại nhìn (thềm) non nước
Một mãnh tình riêng ta với ta.


Mẹ già cũng đã về bên kia thế giới nhưng lúc nào Anh Sơn và Chị Điệp vẫn cố gắng trợ giúp bên nhà ! Hy vọng một ngày nào đó hai anh chị và các cháu về thăm gia đình và nơi chôn nhau cắt rún , ngày ấy chắc các nhân viên di trú và lực lượng an ninh chìm ở Phi trường Tân Sơn Nhất không còn có cái nhìn ác ý và các viên chức công an khu vực Tỉnh Bình Thuận không làm khó dễ nữa như những lần trước đây đã xảy ra với một vài đồng hương về thăm nhà !

Tâm sự của một thuyền nhân do Nguyễn Hữu Thọ viết tại Thành phố Sao Paulo-Brazil tối ngày 08.02.2011.
E-mail liên lạc với anh Nguyễn Sơn : long-hai-son@hotmail.com





---